Sunday, April 3, 2011

Ánh Sáng và Bóng Tối (Jn 9: 1-41)

Con Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối, từ muôn đời đến muôn đời (Jn 9:1-41)  

Các luồng sáng tỏa ra rực rỡ và những vệt tối lan sâu trong Kinh Thánh, từ lúc khởi sự đến hồi kết thúc, bắt đầu từ các câu mở đầu của sách Sáng Thế: "Và Thiên Chúa phán, 'Hãy có ánh sáng', liền có ánh sáng. Và Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối "(Gen 1:3-4).

Tin Mừng Thánh Gioan mở đầu với một song hành có chủ đích với chương 1 của sách Sáng Thế, mô tả Ngôi Lời Nhập Thể là "ánh sáng cho nhân loại," với giải thích, "ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng" (Jn 1: 4-
5). "Tôi là ánh sáng thế gian," Chúa Giêsu công bố, "ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống" (Jn 8: 12). Điều này, tất nhiên, đã làm tăng sự mâu thuẫn giữa ánh sáng và bóng tối, và một số lãnh đạo tôn giáo đã tìm cách ném đá Chúa Giêsu ngay trước khi các sự việc xảy ra trong Phúc Âm hôm nay (xem Jn 8: 58-59.).

Câu chuyện của Chúa Giêsu chữa lành cho người mù bẩm sinh vạch ra cách ngoạn mục sự lựa chọn của một số người để đón lấy ánh sáng và sự sống trong khi những người khác chìm ngập trong bóng tối và sự chết.
Thiên Chúa, trong sách Sáng Thế chương 1, đã phân rẽ ánh sáng và bóng tối khi tạo dựng vũ trụ, Thánh Gioan mô tả Chúa Giêsu phân rẽ ánh sáng từ bóng tối – trước tiên, bằng cách thực hiện một phép lạ về thể chất và thứ hai, trong cách tỏa ánh sáng của đức tin trên người mù. Người đàn ông mù bẩm sinh tiến bước trong một hành trình ngoại thường đi vào ánh sáng, trong khi ngay cả  những người Pharisiêu cứ vấp ngã trong bóng tối.

Hành động của Chúa Giêsu lấy đất làm bùn từ nước miếng của mình và bôi nó trên mắt của người mù là hoàn toàn nhưng không, người mù rõ ràng không nói điều gì cả. Thay vào đó, ông chỉ lắng nghe và vâng lời, và nói với hàng xóm kinh ngạc của ông, rằng Chúa Giêsu đã bảo ông đến rửa trong hồ Siloam, "Vì vậy, tôi đã đi, đã rửa và đã nhìn thấy." Ông biết Chúa Giêsu đã chữa lành ông, nhưng rất ít điều gì khác. Tuy nhiên, ông hẳn đã dành thời giờ suy nghĩ về phép lạ, bởi vì khi những người Pharisiêu tra ép ông về danh tính của Chúa Giêsu, ông nói, "Người là một vị ngôn sứ."

Sự tăng trưởng trong tinh thần này đi song song với việc biến đổi thể lý từ bị mù đến có được mắt sáng. Và nó vẫn tiếp tục, vì khi bị hỏi lần thứ hai bởi người Pharisiêu, những người đã ngạo mạn tuyên bố rằng họ biết Chúa Giêsu là một người tội lỗi (vì không giữ ngày Sa-bát), người đàn ông đã mỉa mai cái kiểu cách của họ không chịu nhận lời chứng của mình và thực tế rõ ràng của phép lạ. Về phần những người Pharisiêu, họ lại vô tình thừa nhận sự thật: "Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê, nhưng chúng ta không biết ông Giêsu ấy ở đâu mà đến."

Như thế, người mù bẩm sinh ban đầu chỉ biết chút ít, nhưng tăng trưởng nhanh chóng trong hiểu biết thực sự, trong khi những người Pharisêu, những người tuyên bố rằng mình biết nhiều, đã chứng tỏ là họ không thể học được gì về Thiên Chúa, hoặc bởi Thiên Chúa. Người đàn ông đã làm một phép trừ thần học: chỉ một người nào đó từ Thiên Chúa mới có thể chữa lành cái mù cho ông. Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa, và do đó, thuần thành và thánh thiện. Thay vì thừa nhận cái sai lầm của mình và sự mù lòa của họ, những người Pharisiêu đã đóng nhãn người đàn ông là kẻ có tội và loại anh ta ra. "Sự mù quáng của con người quá bao la đến mức," như Thánh Augustine đã viết trong Confessions, "người ta thậm chí còn vinh vang trong sự mù lòa của họ!"

Còn một bước cuối cùng để cho con người tiếp nhận ánh sáng của đức tin. Một lần nữa, chính  Chúa Giêsu đã kéo anh ta ra và hỏi, "Anh có tin vào Con Người không?" Thiên Chúa, người yêu thương nhân loại, hằng ngỏ ý cống hiến đức tin, thường thông qua các câu hỏi hối thúc: Ta là ai? Bạn có tin vào ta? Bạn có cần ta không? Người đàn ông, sau khi biết rằng ông đang nhìn lên khuôn mặt của Con Người, chỉ cần nói: "Thưa Ngài, tôi tin", và thờ lạy Chúa Giêsu.

Chương cuối cùng của Kinh Thánh, mô tả các tôi tớ Thiên Chúa thờ lạy Con Chiên ở trên trời, xác định, "họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đến đèn đuốc và ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ ..." (Rev 22:3-5). Tại tận cùng lịch sử, Con Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối, cho hết thảy muôn muôn đời.

(Nguồn: Carl Olson - Our Sunday Visitor)